Những người sáng tác đơn độc thường dễ rơi vào sự kỳ thị của cộng đồng, đặc biệt là khi sự khác biệt của họ bị coi là “phá hoại” môi trường sinh hoạt bình thường của cư dân quanh đó. Trường hợp khu vườn “kỳ dị” của ông Phạm Chứng (73 tuổi) tại Tây Ninh là ví dụ điển hình. Cách làm của ông Chứng có đôi nét tương đồng với Nek Chand khi tự mua cát, đá, xi măng rồi tự đắp họa những bức tượng đầu người rải rác khắp vườn của ông. Tuy nhiên, điều khiến cộng đồng hoảng sợ là có những bức tượng mang khuôn mặt bị sơn đỏ tung tóe như máu…. Tâm sự về động lực sáng tác của mình, ông Chứng cho biết, thay vì chơi những thú vui nhẹ nhàng của tuổi già như chơi chim, chơi cây – những thú vui mà đến lúc sẽ phải tàn – ông muốn “chơi cái tàn của cuộc vui, tức là những người chết”.
Nek Chand Saini nếu sinh ra tại Tây Ninh của Việt Nam thì hẳn là Ấn Độ sẽ mất đi những kỳ quan độc nhất vô nhị của thế giới. Ở Việt Nam, ông sẽ bị gọi là gàn dở khi bỏ ra gần 18 năm “vi phạm pháp luật” bằng việc nhặt thủy tinh, gốm vỡ, đắp hàng trăm bức tượng xi măng trong một hẻm núi. Rất may, khi bị chính quyền phát hiện, khu vườn đá rộng 49.000 m2 không bị yêu cầu phá bỏ mà đã được tiếp nhận, giúp chính quyền địa phương thu hút hàng triệu khách du lịch đổ về mỗi năm.
Công việc “phạm pháp thầm lặng” của Nek Chand bắt đầu từ năm 1958 và đến năm 1975 mới bị phát hiện. Sinh năm 1942 tại làng Berian Kalan (nay thuộc Pakistan), Nek Chand và gia đình của ông đã chuyển sang định cư tại Ấn Độ vào năm 1950. Lặng lẽ tạo nên một “vương quốc” của những vị thần đi ra từ trong giấc mơ của ông. Nek Chand đã sáng tác chỉ bằng sự thôi thúc nội tâm và tài năng bẩm sinh, không vì mục đích phô bày để được ghi nhận tài nghệ hoặc tạo tác ra các sản phẩm thương mại. Năm 1972, một số người bắt đầu phát hiện ra khu vườn đá của ông và năm 1975, chính quyền Ấn Độ đã ghi nhận và tiếp tục cho ông mở rộng tác phẩm của mình đến tận năm 1983.
Trên thế giới, không chỉ riêng Nek Chand mà đã có hơn 400 nghệ sỹ “tự học” khác được công nhận và xếp vào nhóm Art Brut, một khái niệm do nghệ sỹ người Pháp Jean Dubuffet đặt ra. Art Brut với hàm nghĩa về một thứ nghệ thuật nguyên sơ, thô nháp, đến mức nó có thể coi là nằm ngoài các tiêu chuẩn cổ điển để xác định là các tác phẩm “Nghệ Thuật”. Tạo ra tác phẩm đối với những người nghệ sỹ phi chính thống (trong đó có nhiều người là bệnh nhân tâm thần) chính là quá trình giải nén các uẩn ức nội tâm. Khó có thể xếp những tác phẩm của họ thuộc trường phái, phong cách trước đó, nên việc đặt ra nhóm Art Brut không chỉ để “ghi danh”, mà còn tạo thêm cầu nối đồng cảm giữa cộng đồng với sự hiện diện đơn độc của những nghệ sỹ mà có lẽ người bình thường sẽ không thể thấu hiểu, nếu không đối thoại với tác phẩm của họ.
Những người sáng tác đơn độc thường dễ rơi vào sự kỳ thị của cộng đồng, đặc biệt là khi sự khác biệt của họ bị coi là “phá hoại” môi trường sinh hoạt bình thường của cư dân quanh đó. Trường hợp khu vườn “kỳ dị” của ông Phạm Chứng (73 tuổi) tại Tây Ninh là ví dụ điển hình. Cách làm của ông Chứng có đôi nét tương đồng với Nek Chand khi tự mua cát, đá, xi măng rồi tự đắp họa những bức tượng đầu người rải rác khắp vườn của ông. Tuy nhiên, điều khiến cộng đồng hoảng sợ là có những bức tượng mang khuôn mặt bị sơn đỏ tung tóe như máu…. Tâm sự về động lực sáng tác của mình, ông Chứng cho biết, thay vì chơi những thú vui nhẹ nhàng của tuổi già như chơi chim, chơi cây – những thú vui mà đến lúc sẽ phải tàn – ông muốn “chơi cái tàn của cuộc vui, tức là những người chết”.
Trong khi, giải pháp để cho cư dân bớt sợ “nghệ thuật” của ông Chứng là xây tường, trồng cây che khuất tầm nhìn thiên hạ thì chính quyền địa phương đã xếp những tác phẩm của ông vào diện vi phạm khoản 1, điều 3 của Nghị định 103 ngày 6/11/2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Nhưng theo luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn luật sư TP.HCM trà lời trên tờ Thanh Niên (1/10), ông Chứng không vi phạm quy định trên do đây là hoạt động cá nhân và quyền tự do sáng tác (không để trưng bày, không để kinh doanh) trong không gian cá nhân của ông, nên cần được tôn trọng.
Nếu như các nhà quản lý có thể quan liêu và cứng nhắc thì có nghệ sỹ Việt Nam lại bộc lộ quan điểm ấu trĩ không kém. Cụ thể là họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, cho rằng trong sáng tác, người nghệ sỹ Việt Nam không được vi phạm 3 điều cấm là chống phá nhà nước, dâm ô đồi trụy, kích động bạo lực và sau đó ông Huy kết luật những tác phẩm của ông Chứng là “bức tượng kinh dị” vi phạm vào điều 3. Ông này khẳng định, nếu một hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM nào đó có ý định tổ chức một cuộc triển lãm với những ‘tác phẩm’ như vậy, chắc sẽ không được ký duyệt!
Ngược với những quan điểm của ông Huy, Họa sỹ Lê Thiết Cương cho rằng, việc cộng đồng quy đó là “kích động bạo lực” là do mọi người tự sợ, chứ không phải ông Chứng muốn làm cho người ta sợ. Còn nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền khẳng định, trong muôn hình vạn trạng của nghệ thuật thì có người còn điên rồ hơn cả ông Chứng. Khách quan hơn, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế đã nhấn mạnh rằng, trên thế giới vẫn tồn tại nghệ thuật của những người không bình thường. Họ có vấn đề về tâm lý, rồi dùng chính nghệ thuật để thể hiện vấn đề tâm lý bất thường đó của mình. Thậm chí ở một số nơi chữa bệnh tâm thần ở nước ngoài còn dùng cách cho bệnh nhân sáng tạo nghệ thuật như một liệu pháp. “Nếu cộng đồng khoan dung chấp nhận thì mọi chuyện sẽ ổn. Còn từ góc độ pháp luật, nếu muốn cấm thì phải dựa trên luật pháp. Nếu không, tôi rất sợ “ném chuột vỡ đồ”, ông Trần Hậu Yên Thế nói.
Có lẽ chủ nhân của khu vườn Tây Ninh chưa bao giờ nghĩ đến việc làm hội viên một Hội Mỹ thuật nào đó ở Việt Nam và có ham muốn trưng bày tác phẩm ở nơi nào đó ngoài khu vườn của mình. Xét trên phương diện pháp luật, xây tường cao che khuất tầm nhìn công chúng, bất đắc dĩ, nếu được chủ nhân chấp nhận thì đó sẽ là giải pháp hợp tình hợp lý thay vì đưa ra một Nghị định mang tính chất đe dọa, vùi dập hoặc bác bỏ hoàn toàn ý nguyện sáng tạo của một cá nhân trong xã hội.
Khu vườn đá của Nek Chand không chỉ quý giá bởi những tác phẩm của ông mà đó còn là biểu tượng của một tinh thần tôn trọng sự khác biệt, điều những tưởng đơn giản, nhưng để có được sự đồng cảm và thấu hiểu quả thật không đơn giản. Đặc biệt là khi bất cứ ai làm một điều khác với số đông bình thường đều có thể bị số đông đó quy kết là kỳ dị, quái gở cần phải triệt bỏ. Nếu sự hiện diện của pháp luật chỉ như một sản phẩm đại diện cho đa số vô cảm, quan liêu, thấy không hợp mắt là cấm và dỡ bỏ thì đó mới chính là hành động “kích động bạo lực” nhất.
Leave a Reply